Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Video: Hành trình trở thành thầy giáo của cậu bé tự kỷ từng van xin để không bị đuổi học


Có lẽ không điều gì quan trọng hơn cho bằng tình yêu thương giữa con người với con người, đặc biệt đó lại là người đang bị bạn bè và xã hội xa lánh vì hội chứng tự kỷ!


Tình yêu thương, sự tận tâm hết mình của cô giáo trẻ khi giúp một cậu bé bị tự kỷ vượt lên khỏi số phận, trở thành thầy giáo trong đoạn phim dài chưa đầy 12 phút đã chạm đến trái tim của hàng triệu người và có rất nhiều những giọt nước mắt đã rơi.


Đoạn phim với thông điệp mạnh mẽ của Thái Lan được dựng trên một câu chuyện có thật,kể về cậu bé tự kỷ tên Chao có hoàn cảnh rất đáng thương là bố mẹ ly hôn.
Chao được bà dẫn đến một ngôi trường dành cho những học sinh bình thường và gửi cho cô giáo Suriporn.
Việc hòa nhập với bạn bè, trường lớp của Chao ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Cậu bé ngơ ngác, lạc trong thế giới của riêng mình mà không giao tiếp, nói chuyện với bất kỳ ai.
May mắn thay, cô giáo Suriporn lại cực kỳ quan tâm đến Chao và đã cố gắng nỗ lực để dắt cậu bé ra khỏi vỏ ốc.
Từ những nguồn tài liệu tìm hiểu được, cô Suriporn đã bắt đầu tìm ra cách để nói chuyện, thu hút sự chú ý của cậu học sinh đặc biệt.
Cô gắn chong chóng vào thước dạy học, dùng phấn bảng nhiều màu để viết, cố gắng tạo ra những hình khối vuông vức… với mục đích kéo đôi mắt của Chao nhìn về phía bảng hay tập trung vào một việc gì đó.
Không những thế, cô giáo còn tìm mọi cách để giao tiếp, trò chuyện và dành thời gian ở bên Chao, hướng dẫn cho em cách để phát âm, cùng chơi trò chơi, luyện tập để em cảm nhận được tình cảm, sự thân thiết của cô.
Dần dần, cô giáo Suriporn trở thành điểm tựa vững chắc để Chao có thể nắm tay bước dần ra thế giới bên ngoài.

Cảnh phim xúc động nhất phải kể đến là khi Chao bị bạn bè trêu chọc, giật thẻ học sinh thì Chao giận giữ đến mức không kiểm soát được, đánh bạn thâm tím mặt mày.
Chao bị gọi vào phòng hiệu trưởng, bị các phụ huynh khác lên tiếng bắt nghỉ học với lý do: “Một đứa trẻ không bình thường thì không thể học cùng những đứa trẻ bình thường được!”.
Nhưng cô giáo Suriporn đã ở đó để cho tất cả mọi người thấy rằng Chao không hề ngốc, cậu có thể làm được những gì… Chao lần lượt trả lời chính xác các câu hỏi khó của cô giáo và khiến những người có mặt kinh ngạc.
Và khi mơ hồ cảm nhận được việc mình sẽ bị đuổi học, cậu đã bất ngờ quỳ chân xuống sàn van xin: “Cho em học tiếp… cho em học tiếp…!”.
Đọc được trang giấy Chao viết: “Em ước mơ làm thầy giáo!”, một lần nữa lại khiến cho cô Suriporn phải rơi nước mắt vì cảm động và hạnh phúc.
Bởi chính cô đã là người truyền cảm hứng cho Chao được trở thành một thầy giáo nhân ái trong tương lai và chính nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô, mà một đứa trẻ tự kỷ tưởng như vô vọng đã dần có thể bước ra khỏi căn phòng cô đơn, lạnh lẽo để theo đuổi ước mơ của mình.
Sau này, Chao trở thành một thầy giáo như chính ước mơ của anh.
Cậu bé tự kỷ hôm nào nay đã là một trợ giảng với rất nhiều bằng khen, luôn có tên trong danh sách những giáo viên tiêu biểu, nhưng vẫn luôn nhớ và tìm đến cô Suriporn như người mẹ hiền của mình.
Câu chuyện tràn đầy tính nhân văn trong đoạn phim một lần nữa lại gửi đến thông điệp sâu sắc về cách ứng xử của xã hội, gia đình với một đứa trẻ tự kỷ:
Mỗi một đứa trẻ tự kỷ đều cần được đối xử như một người bình thường và cần hơn rất nhiều những yêu thương, quan tâm để sống, hòa nhập và trở thành một người có ích trong tương lai.
Đối với trẻ tự kỷ, giao tiếp chính là vấn đề khó khăn lớn nhất. Vì vậy, trong quá trình giao tiếp với trẻ tự kỷ cần chú ý:
- Đừng bao giờ gọi trẻ tự kỷ là gánh nặng, hoặc nói rằng não của chúng bị “hư” hay “không xài được”. Bởi việc nghe những lời xúc phạm đó có thể thực sự gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
- Không nên chế nhạo trẻ tự kỷ, thậm chí là nói đùa.
- Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ tự kỷ đều khác nhau. Không có bất kỳ một phương pháp nào thích hợp với tất cả, và bạn sẽ tự nhiên học được cách tốt nhất để tương tác với từng đứa trẻ khi chịu tìm hiểu.
- Trẻ tự kỷ có thể cần nhiều thời gian hơn để "hòa nhập xã hội", hoặc có thể không hề muốn ra khỏi vỏ của mình. Điều đó là bình thường, đôi khi hãy để trẻ sống trong không gian riêng của mình.
- Tôn trọng và tử tế với trẻ tự kỷ giống như bạn đối xử với những người bình thường khác.
- Nên xem chứng tự kỷ tương tự như sự khác biệt văn hóa, thay vì là điểm khiếm khuyết.

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét